Khi dịch Covid-19 bùng phát, việc đầu tư ra nước ngoài hay đi du học, du lịch đều hết sức khó khăn. Do đó dòng tiền mặt dồi dào quay trở lại thị trường trong nước và bất động sản trở thành kênh giữ tài sản lý tưởng cho nhà đầu tư.
Từ đầu năm 2020, có một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường Bất động sản Việt Nam, thậm chí là ở một số thị trường lớn trên thế giới, giá bất động sản tăng nhanh, bất chấp đại dịch Covid-19, bất chấp nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm và mất việc làm diễn ra trên diện rộng. Điều gì đã xảy ra khi các nền kinh tế tạo ra ít giá trị hơn, các cá nhân kiếm được ít tiền hơn, các mặt bằng thuê đều trống vắng khách thuê, nhưng giá bất động sản lại tăng nhanh như vậy.
Tại Việt Nam, cơn sốt đất diễn ra mạnh mẽ, một số khu vực bất động sản tại các thị trường tỉnh lẻ như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Long An, Đồng Nai… đã tăng 50-100% so với giá giữa năm 2019, thậm chí quý 1/2021 vẫn tiếp tục tăng 10-20%. Tại nhiều khu vực, đất đấu giá tăng gấp 3-4 lần giá khởi điểm chỉ trong 1 buổi sáng. Thậm chí, có những điểm nóng sốt giá đất tăng theo ngày, chậm chân là mất suất mua.
Tại Hà Nội, các bất động sản có giá trị càng cao thì tốc độ tăng trưởng càng mạnh mẽ
Tại hai thị trường Hà Nội và TP.HCM điều đáng nói là, các bất động sản có giá trị càng cao thì tốc độ tăng trưởng càng mạnh mẽ, một số căn biệt thự, liền kề, shophouse năm 2019 được mua với giá 5-10 tỷ đồng hiện nay đều có giá lên 10- 20 tỷ đồng, có nơi còn tăng đến gần 30 tỷ đồng. Điển hình như tại dự án shophouse Him Lam Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) dù giá lên đến hơn chục tỷ/căn nhưng thanh khoản vẫn rất cao, giao dịch đạt 90% chỉ sau vài tháng mở bán. Dọc xuống khu Nam An Khánh, giá biệt thự, liền kề dù xa trung tâm nhưng cũng ghi nhận mức tăng mạnh kể từ đầu năm 2020.
Giải thích nguyên nhân dẫn đến cơn sốt bất động sản các chuyên gia cho rằng hiện tượng "dồi dào tiền mặt" cùng nguồn tiền rẻ khắp nơi đã chọn bất động sản làm nơi lưu trú. Trước đây, khi có tiền, có nhiều lựa chọn như mua vàng, mua ngoại tệ cất trữ, mua nhà ở nước ngoài, gửi tiết kiệm, đi du lịch, mua bất động sản hay tái đầu tư kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên, từ 2019, giá vàng đã lập đỉnh mới và có nhiều biến động khó lường, Covid khiến giãn cách xã hội liên tục nên dòng tiền không được tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh, cùng với đó dòng tiền đầu tư ra nước ngoài cũng hạn chế nên dồn vào bất động sản.
Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà môi giới địa ốc Mỹ (NAR) đưa ra năm 2017, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia mua nhà ở Mỹ nhiều nhất với khoảng 3 tỉ USD/năm. Khi dịch Covid bùng phát, việc đi ra nước ngoài hết sức khó khăn, học sinh cũng phải về nước, do đó, việc mua nhà ở nước ngoài để định cư hoặc cất trữ tài sản cũng trở nên khó khăn và kém an toàn hơn trước. Con số hàng tỷ đô la người Việt Nam dùng để mua nhà ở nước ngoài nay quay trở lại với thị trường BĐS trong nước cũng là một nhân tố tác động mạnh đến thị trường, đặc biệt là các bất động sản có giá trị cao.
Cùng với dòng vốn đầu tư ra nước ngoài quay đầu đổ về thị trường nội địa, dòng kiều hối cũng đang đổ mạnh về nước. Cụ thể, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng dòng tiền chuyển về TP.HCM những tháng đầu năm 2021 tăng mạnh đạt 2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 7% so với cuối năm 2020 và tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Kỳ vọng lượng kiều hối năm 2021 sẽ tăng 7% so với cuối năm 2020, đạt 6,5 tỉ USD. Trong bối cảnh các kênh đầu tư trên thị trường thế giới như vàng, trái phiếu cũng như hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh có xu hướng giảm và bấp bênh, lượng kiều hối 4 tháng đầu năm chủ yếu hướng vào thị trường chứng khoán và bất động sản đang hết sức sôi động.
Dòng tiền có xu hướng đổ vào thị trường BĐS trong thời gian tới
Ngoài ra, dòng vốn từ trái phiếu, kiều hối, vốn đầu tư công, vốn của các nhà đầu tư tiềm năng… cũng đều có xu hướng gia tăng đổ vào thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua. Phát biểu với báo chí, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho hay, tại Việt Nam, rất cần lưu ý đến khu vực kinh tế không chính thức. Trong những năm qua, có một luồng tiền rất lớn đi ra ngoài thị trường và không quay về hệ thống ngân hàng. Nó tạo thành dòng tiền chạy trong khu vực phi chính thức như việc các doanh nghiệp tự vay lẫn nhau, người dân vay lẫn nhau. Do dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp nên hoạt động tại khu vực phi chính thức gần như bị đình trệ, giảm xuống. Dòng tiền theo đó bắt đầu quay lại các kênh đầu tư chính thức trong đó có thị trường bất động sản.
Có thể thấy, lượng tiền dồi dào trên thị trường đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản. Dự báo từ nay đến cuối năm khi lãi suất ngân hàng tiếp tục duy trì mức thấp 3-4%, dòng tiền cuồn cuộn từ những đợt sóng chứng khoán cũng đang có xu hướng cắt lãi đổ sang bất động sản thì thị trường bất động sản lại tiếp tục đón nhận những xung lực tăng giá mới. Đặc biệt, dòng tiền sẽ khôn ngoan hơn khi găm vào những bất động sản giá trị, có tính sử dụng cao như nhà phố, shophouse hoặc bất động sản gần những khu công nghiệp lớn.
P.V
Theo Tienphong.vn